Da tổn thương có nhiều mức độ, nhưng đều cực kỳ nhạy cảm, cần được chăm sóc một cách chăm chút và kiên trì trong một thời gian dài. Vậy nguyên nhân gì khiến da mặt bị tổn thương? Và phục hồi da như thế nào để an toàn, hiệu quả nhất? Cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau nhé.
Biểu hiện và nguyên nhân da mặt bị tổn thương
Dùng kem trộn/ Mỹ phẩm không phù hợp
Cách đây vài năm, nhiều chị em phụ nữ Việt Nam thường sử dụng kem trộn với mong muốn làm da nhanh trắng sáng và mịn màng – đây chính là sai lầm lớn nhất khiến làn da bị tổn thương nghiêm trọng.
Bản chất của kem trộn là sử dụng một chất có tên Corticoid – chất này được dùng trong một số dược phẩm với nồng độ cho phép để chống viêm, ngừa dị ứng. Corticoid còn giúp làm trắng da rất nhanh nên thường được dùng trong nhiều loại mỹ phẩm (đặc biệt là kem trị nám, kem trắng da, kem lột tẩy, kem trị mụn) và gần như tất cả các loại kem trộn.
Thời gian đầu khi sử dụng kem trộn làn da sẽ đẹp nhanh chóng; bởi các nốt mụn, vết nám, tàn nhang sẽ dần biến mất và da cũng mịn màng hơn trông thấy. Tuy nhiên, khi sử dụng kem trộn càng lâu thì làn da càng xuất hiện nhiều vấn đề như da mỏng, yếu hơn và rất nhạy cảm. Đến khi ngưng sử dụng thì mụn nổi lên rất khủng khiếp hoặc da trở nên đen sạm và xuất hiện nhiều vết thâm nám.
Việc khắc phục hậu quả do ngộ độc corticoid trong kem trộn thường rất gian nan và tốn kém bởi làn da đã bị tổn thương quá nhiều.
Cũng như sử dụng kem trộn, việc dùng mỹ phẩm kém chất lượng, mỹ phẩm không phù hợp hoặc sử dụng mỹ phẩm sai cách trong một thời gian dài cũng gây tổn thương cho da, phá vỡ màng axit bảo vệ và khiến làn da trở nên dễ nhạy cảm hơn. Vì vậy, bạn cần lựa chọn thật kỹ các sản phẩm chăm sóc da trước khi đưa lên mặt để hạn chế nguy cơ khiến da mặt bị tổn thương.
Mụn và hậu quả sau mụn
Mụn là một bệnh lý về da, là dấu hiệu của một làn da hoặc cơ thể đang có vấn đề. Khi bị mụn, da sẽ bị tổn thương, yếu dần và rất dễ nhạy cảm với yếu tố bên ngoài. Chưa kể, việc sử dụng các loại kem đặc trị và những biện pháp trị mụn cũng khiến làn da trở nên khô, mỏng hơn nhiểu.
Bên cạnh đó, những hậu quả sau mụn như sẹo thâm cũng khiến bạn tốn nhiều công sức hồi phục và điều trị – và nếu những tác động lên da này được thực hiện không đúng cách thì làn da của bạn cũng ngày càng bị tổn thương.
Tác động từ môi trường
Một nguyên nhân khiến làn da bị tổn thương nữa là do những tác động từ môi trường, đặc biệt là tia tử ngoại.
Khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời mà không có sự bảo vệ, làn da sẽ bị những tổn thương:
+ Về mặt thẩm mỹ: da bị đen, khô sạm, rám nắng, tàn nhang.
+ Về mặt cấu trúc: lượng collagen và elastin dưới da bị phá vỡ, da bị yếu dần và nhanh lão hóa.
Đặc biệt, tỷ lệ ung thư da sẽ tăng lên nếu không có sự bảo vệ của kem chống nắng.
Chăm sóc da không đúng cách
Khi làn da không được chăm sóc đúng cách như: rửa mặt, tẩy tế bào chết quá nhiều; sử dụng cùng lúc quá nhiều mặt nạ tự nhiên chứa axit như chanh, dứa, dâu tây,… cũng khiến làn da bị bào mòn và dễ bị tổn thương.
-
Nguyên tắc chăm sóc da bị tổn thương
Không đột ngột dừng kem trộn
Nếu da mặt bạn đang bị tổn thương do sử dụng kem trộn thì không nên đột ngột ngưng sử dụng. Bởi corticoid trong kem trộn là một chất gây nghiện, khiến cho da bị phụ thuộc, khó thích nghi với mỹ phẩm khác. Nếu đột ngột dừng sử dụng thì sẽ khiến da bị “sốc” và có những biến chứng như nổi mẩn đỏ, da bị ngứa, dị ứng dưới da.
Vì vậy, cần “cai nghiện” cho da bằng cách dãn dần thời gian sử dụng kem trộn: từ mỗi này, sau đó dùng cách ngày, sau đó dùng hai lần 1 tuần, rồi một lần 1 tuần, 2 tuần một lần,… cho đến bạn cảm nhận da đã quen với cảm giác không dùng kem thì dừng lại.
Không dùng nhiều mỹ phẩm
Khi da đang bị tổn thương, bạn nên hạn chế sử dụng nhiều mỹ phẩm, đặc biệt là các mỹ phẩm makeup. Thời gian này, bạn cần để da thông thoáng và chỉ nên sử dụng các loại dầu dưỡng hoặc serum phục hồi sau khi làm sạch và cân bằng da.
Bên cạnh đó, bạn cũng không nên dùng các loại kem đặc trị (trị mụn, trị nám) mà cần ưu tiên phục hồi cho làn da khỏe mạnh trước, rồi mới điều trị sau.
Không sờ tay lên mặt
Làn da bị tổn thương rất nhạy cảm và dễ bị vi khuẩn xâm nhập. Vì vậy, việc sờ tay lên mặt, massage da mặt hay nặn mụn cũng vô tình làm da dễ bị nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, những tác động gây ra sự thay đổi nhiệt độ đột ngột trên da như xông hơi, dùng khăn nóng hay chườm đá sẽ gây kích ứng trên da, dễ dẫn đến viêm nhiễm và không phù hợp với da bị tổn thương.
Chính bởi vậy, để đảm bảo làn da luôn được chăm sóc đúng cách, bên cạnh việc lựa chọn sản phẩm chất lượng, bạn còn cần phải sử dụng đúng và đủ.